SẢN XUẤT VÀ TIÊU DÙNG BỀN VỮNG

CÓ TRÁCH NHIỆM VỚI XÃ HỘI VÀ MÔI TRƯỜNG

TẦM QUAN TRỌNG CỦA SẢN XUẤT VÀ TIÊU DÙNG BỀN VỮNG CÓ TRÁCH NHIỆM VỚI XÃ HỘI VÀ MÔI TRƯỜNG

Sản xuất và tiêu dùng bền vững là giải pháp lâu dài cho những vấn đề môi trường, xã hội.

Các dự án, doanh nghiệp sản xuất bền vững, thực hiện cải tiến quy trình sản xuất, áp dụng công nghệ, quản lý rác thải, không sử dụng các chất độc hại,...và việc tiêu dùng có trách nhiệm với xã hội, môi trường đóng góp quan trọng trong việc:

  • Giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
  • Sử dụng và quản lý tài nguyên thiên nhiên một cách hiệu quả.
  • Bảo vệ sức khoẻ cho con người. 
  • Giúp tránh lãng phí để có thể tối ưu hoá chi phí vận hành. 
  • Góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo ra các thị trường mới và tạo việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống. 

Xu hướng sản xuất và tiêu dùng bền vững tạo nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp, theo kết quả nghiên cứu của Nielsen Việt Nam, các thương hiệu có cam kết “xanh” và “sạch” đều có mức tăng trưởng khá cao, khoảng 4%/năm. Một số nhãn hàng của Việt Nam như bóng đèn điện quang, Ecopark, Unilever đã có mức tăng trưởng cao nhờ sản xuất “xanh”; cụ thể, Unilever đã tăng trưởng 30% khi thực hiện cam kết về sản phẩm “sạch”.

MỘT SỐ THỰC TRẠNG HIỆN NAY
LIÊN QUAN ĐẾN

SẢN XUẤT VÀ TIÊU DÙNG BỀN VỮNG

Hiện nay sự phát triển của các hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển ngày càng nhanh mang lại nhiều áp lực lên môi trường.

  • Hoạt động kinh doanh sản xuất dùng tài nguyên thiên nhiên làm nguyên, nhiên, vật liệu nhưng các hoạt động phát triển nhanh làm tăng sự khai thác quá mức và gây tác động tiêu cực lên môi trường (rối loạn sinh thái, phá hủy của thực vật tự nhiên và động vật, ô nhiễm không khí, nước và đất, sự bất ổn của đất và đá khối, suy thoái cảnh quan, sa mạc hoá và hiện tượng ấm lên toàn cầu,...). Các hệ thống dây chuyền công nghệ cũ dẫn đến việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên không hiệu quả.
  • Kinh doanh, sản xuất tạo nhiều chất thải và lượng chất thải công nghiệp này dễ gây suy thoái, ô nhiễm môi trường xung quanh như môi trường đất, môi trường nước,... ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của con người.
  • Hoạt động kinh doanh trong hội nhập kinh tế quốc tế làm phát sinh những vấn đề môi trường thông qua hoạt động nhập khẩu những sản phẩm hàng hóa không thân thiện với môi trường vào Việt Nam.

Nguyên nhân: 

  • Nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ, không thực hiện trách nhiệm bảo vệ môi trường, không cập nhật các quy định về bảo vệ môi trường. 
  • Hạn chế về tài chính, nguồn lực, áp dụng công nghệ khiến các doanh nghiệp khó thực hiện bảo vệ môi trường, giảm ô nhiễm,...trong khi phải duy trì hoạt động kinh doanh. 
  • Nhiều doanh nghiệp không thực hiện nghiêm túc công tác bảo vệ môi trường cũng như dùng các biện pháp không triệt để.

Tiêu dùng xanh diễn ra phổ biến hiện nay. Tuy nhiên chủ yếu là những đối tượng có thu nhập cao, trình độ cao thường sẵn sàng trả giá cao cho sản phẩm xanh như thực phẩm hữu cơ. Còn nhiều người tiêu dùng có sự quan tâm nhưng chưa có nhu cầu cao đối với các sản phẩm xanh, bền vững.

  • Do nhiều đối tượng có mức thu nhập thấp, chưa có nhận thức cao về các vấn đề môi trường và chưa có nhiều hiểu biết về tiêu dùng bền vững, như người dân ở các khu vực nông thôn (gần 72% người được hỏi đã nghe nói tới, nhưng không hiểu rõ về sản phẩm hàng hóa thân thiện môi trường).
  • Sản phẩm xanh có chi phí sản xuất cao hơn, giá thành cao hơn (thường là 20%-40%) so với các các sản phẩm tương tự. Dẫn đến nhiều người còn e ngại khi mua các sản phẩm thân thiện môi trường, sản phẩm hữu cơ,.. và không nhiều người sẵn sàng chi trả cho các sản phẩm xanh, đặc biệt là đối với các đối tượng có mức thu nhập trung bình và thấp. 
  • Người tiêu dùng chưa thực sự tin tưởng vào chất lượng của các sản phẩm xanh, còn các hạn chế về số lượng, đa dạng mẫu mã, còn nhiều bất tiện, khó đáp ứng các tiêu chí: bền, rẻ, tiện lợi,...dẫn đến nhu cầu cho các sản phẩm xanh chưa cao.

Tiêu dùng bền vững mang lại lợi ích cho con người và môi trường. Nhưng tiêu dùng xanh cũng cần chọn lọc và áp dụng phương pháp hiệu quả.

Một số xu hướng tiêu dùng xanh như sử dụng ống hút giấy, túi giấy,... chưa giải quyết triệt để vấn đề rác thải nhựa. 

  • Quá trình sản xuất ống hút giấy bao gồm trồng cây, đốn cây, ép thành ống giấy,… Trong quá trình sản xuất và vận chuyển, sản phẩm này cần sử dụng đến các nhiên liệu hóa thạch như xăng, dầu và một số loại nhựa khác. 
  • Túi giấy tạo ra ô nhiễm không khí và nước nhiều hơn túi nilon và cần nhiều năng lượng hơn để tái chế do túi giấy chiếm nhiều không gian hơn trong các bãi chôn lấp và cần nhiều khí đốt hơn để vận chuyển.
  • Phương pháp tiêu dùng hiệu quả hơn là uống trực tiếp từ ly và bỏ sử dụng ống hút hoặc tìm kiếm nguyên liệu “xanh” hơn; dùng túi vải có vòng đời sử dụng dài hơn thay vì túi nilon hay túi giấy.

Một trong những khó khăn của doanh nghiệp, các dự án khởi nghiệp là khó có thể cân bằng giữa mục tiêu tối đa hoá lợi nhuận và tăng trưởng bền vững, thực hiện trách nhiệm với xã hội, bảo vệ môi trường. 

  • Các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường thiếu vốn, khó tìm các công nghệ phù hợp. Mặc dù công nghệ xanh đang phát triển trên thế giới nhưng nếu áp dụng ở Việt Nam còn gặp khó khăn như trình độ năng lực chưa theo kịp và việc cần chi phí ban đầu lớn để tiếp cận các công nghệ xanh. 
  • Ở các khu vực miền núi, khả năng áp dụng công nghệ còn hạn chế dẫn đến tiêu hao nhiều năng lượng trong quá trình hoạt động, vấn đề tài chính dẫn đến khó tiếp cận phương pháp sản xuất sạch, thân thiện với môi trường. 
  • Vấn đề còn liên quan đến nhận thức của các doanh nghiệp về sản xuất bền vững. Theo khảo sát của trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, có đến 70% doanh nghiệp được khảo sát không nghe đến chứng nhận Nhãn xanh Việt Nam; hơn 50% doanh nghiệp không quan tâm đến biến đổi khí hậu; 60% doanh nghiệp không sẵn lòng đầu tư cho sản phẩm xanh. 
  • Nhiều doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội, môi trường với mục tiêu chủ yếu là quảng bá thương hiệu, tiết kiệm chi phí,...không mang tính bền vững.
Chi phí và giá thành cao

HƯỚNG ĐI NÀO CHO NHỮNG Ý TƯỞNG KHỞI NGHIỆP
SẢN XUẤT VÀ TIÊU DÙNG BỀN VỮNG

Mô hình kinh tế tuần hoàn: “Kinh tế tuần hoàn có thể được hiểu là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường. Sự tuần hoàn thể hiện trong tái sử dụng, thông qua chia sẻ, sửa chữa, tân trang, tái chế, tái sản xuất… tạo lập các vòng lặp khép kín, nhằm giảm tối thiểu nguyên liệu đầu vào, lượng phế thải, khí thải và độ ô nhiễm”. Để thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn cần: giảm rác thải và ô nhiễm, tăng vòng đời sản phẩm - nguyên vật liệu và tái tạo hệ sinh thái tự nhiên. Mô hình giải quyết được mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường vì sẽ hạn chế được nhiều nhất chất thải ra môi trường. Một số ngành như: lương thực và nông nghiệp, thời trang và dệt may, xây dựng và vật liệu xây dựng, hệ thống năng lượng và cacbon, hóa chất, điện tử và công nghệ cao,...có nhiều tiềm năng để phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn.

Nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng về tiêu dùng có trách nhiệm với môi trường, thúc đẩy thay đổi hành vi tiêu dùng bằng cách cung cấp thông tin, kiến thức về tác động của con người đối với môi trường, về sản xuất và tiêu dùng bền vững. Thúc đẩy “giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế” trong vòng đời sản phẩm. Thói quen tiêu dùng bền vững cần được định hướng trong toàn xã hội.

Các doanh nghiệp, dự án thực hiện đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực nhằm sản xuất bền vững để tạo ra các sản phẩm sạch, chất lượng giúp người tiêu dùng có nhiều lựa chọn sản phẩm phù hợp, thúc đẩy thói quen tiêu dùng xanh. Nhiều mô hình kinh doanh với những ý tưởng đổi mới như túi tái chế, thời trang bền vững, phân bón không gây hại môi trường và con người, giày từ bã cà phê, công nghệ xanh,... tạo nhiều tác động tích cực cho xã hội và môi trường.

Thực hiện tiêu dùng cần chọn lọc, tối ưu các xu hướng tiêu dùng xanh và áp dụng các cách thức thực sự mang lại hiệu quả tích cực trong việc bảo vệ môi trường, giúp giảm thiểu các vấn đề gây hại đến môi trường đang diễn ra.

Phương pháp tiếp cận hệ thống toàn diện nhắm đến từng giai đoạn trong vòng đời của sản phẩm và dịch vụ, 09 lĩnh vực do UNEP đề xuất. Các bước gồm các chính sách mà chính phủ thực hiện nhằm nâng cao sản xuất và tiêu dùng bền vững và định hướng cho doanh nghiệp, người dân thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững.