NÂNG CAO SỨC KHỎE CỘNG ĐỒNG

VÀ PHÁT TRIỂN Y TẾ BỀN VỮNG

TẦM QUAN TRỌNG CỦA MỘT CỘNG ĐỒNG KHOẺ MẠNH VÀ VIỆC PHÁT TRIỂN Y TẾ BỀN VỮNG

Sức khỏe là quyền bất khả xâm phạm của con người theo Tuyên ngôn thế giới về quyền con người. Vì sức khỏe tốt cho phép con người phát huy hết tiềm năng của mình, trẻ em có khả năng học tập tốt hơn, lao động có năng suất hơn và cha mẹ chăm sóc con cái tốt hơn. Hiện nay nền kinh tế của Việt Nam đang bước sang giai đoạn phát triển và thay đổi chóng mặt, con người là chủ thể của xã hội, có thể đưa ra những quyết định thay đổi về mặt hình thái kinh tế. Từ đó có thể nhận thấy được rằng, việc đảm bảo cho con người có sức khỏe tốt sẽ giúp cho nền kinh tế phát triển bền vững. Ngoài ra, việc đảm bảo sức khỏe là điều cần thiết cho các nỗ lực xóa nghèo và đạt được phát triển bền vững, góp phần vào tăng trưởng kinh tế và cộng đồng thịnh vượng.

NHỮNG VẤN ĐỀ CÒN TỒN ĐỌNG

CỦA NGÀNH Y TẾ VIỆT NAM

Các nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội, như người nghèo, dân tộc thiểu số, dân cư các khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa, đối mặt với nhiều rào cản trong việc tiếp cận y tế chất lượng cao. Tình trạng này chủ yếu bắt nguồn từ sự bất bình đẳng về về nơi cư trú, trình độ học vấn, tình trạng kinh tế và nhóm dân tộc.

  • Những nhóm này gặp khó khăn trong việc truy cập đến các cơ sở y tế chất lượng cao do nhiều lý do khác nhau. Một số người không thể tiếp cận các dịch vụ y tế do không có các cơ sở y tế gần địa phương của họ, đặc biệt là ở các vùng miền núi và vùng sâu vùng xa. Ngoài ra, sự thiếu hụt về kiến thức về sức khỏe và giáo dục y tế cũng góp phần làm tăng khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ y tế.
  • Thiếu hụt tài chính cũng là một yếu tố quan trọng. Các tầng lớp yếu thế thường gặp khó khăn trong việc trả chi phí y tế, bao gồm cả chi phí đi lại đến các cơ sở y tế và mua thuốc. Họ thường thiếu tiền bạc và không có bảo hiểm y tế hoặc hỗ trợ tài chính đủ để chi trả cho các dịch vụ y tế chất lượng cao.
  • Thêm vào đó, bất bình đẳng về giáo dục và trình độ học vấn cũng góp phần vào việc tạo ra sự khác biệt trong việc tiếp cận y tế. Các nhóm yếu thế thường thiếu kiến thức về sức khỏe và không được đào tạo về các vấn đề y tế quan trọng. Điều này khiến họ khó có thể nhận biết và hiểu rõ về các vấn đề sức khỏe, cũng như khó khăn trong việc tìm hiểu và sử dụng các dịch vụ y tế đúng cách.

Trang thiết bị y tế của Việt Nam hiện nay nhìn chung còn thiếu, chưa đồng bộ, lạc hậu, và phần lớn đều nhập khẩu từ nước ngoài, đặc biệt ở những khu vực nông thôn và miền núi. Nguyên nhân dẫn đến vấn đề này là việc thiếu hụt trong ngân sách, phân bổ kinh phí chưa phù hợp, hay tình trạng ách tắc trong mua sắm trang thiết bị khi nhu cầu tăng cao ví dụ như trong dịch COVID-19. 

 

Bên cạnh đó, nhiều đối tượng bệnh nhân hay vấn đề thuộc lĩnh vực y tế vẫn còn thiếu những thiết bị hỗ trợ. Vấn đề này đòi hỏi những thiết bị mang tính chất đột phá, có tính ứng dụng cao.

Hiện nay còn thiếu những trang thông tin về y tế - sức khỏe chính xác, minh bạch, rõ ràng, và dễ tìm hiểu cho nhiều đối tượng khác nhau. Quá trình tìm kiếm thông tin thường mất nhiều thời gian, bất tiện, và không hiệu quả. Từ đó dẫn đến sự thiếu kiến thức y tế trong cộng đồng, nhiều người dân áp dụng và lan truyền những thông tin sai lệch gây ảnh hưởng sức khỏe.

NHỮNG BIỆN PHÁP, HÀNH ĐỘNG CÓ THỂ GIÚP NÂNG CAO ĐƯỢC SỨC KHOẺ CỘNG ĐỒNG, HƯỚNG ĐẾN CỘNG ĐỒNG NGƯỜI YẾU THẾ

ỨNG DỤNG CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG Y TẾ

Trước những vấn đề nổi trội của ngành chăm sóc sức khỏe Việt Nam, phần lớn bệnh nhân tại các tỉnh và nông thôn cho rằng “khoảng cách địa lý” là rào cản lớn nhất đối với họ. Trong đỉnh điểm COVID-19 (2021), nhà nước, các bộ, ban ngành liên quan và các công ty công nghệ đã lập tức khắc phục tình trạng trên nhờ nền tảng Telehealth & Homecare.

Chỉ trong 1 thời gian ngắn, 328 cơ sở y tế tuyến huyện tại 45 tỉnh thành đã thành công hỗ trợ tư vấn thăm khám và chữa bệnh cho các bệnh nhân từ xa. Từ đó, ngành y tế xóa bỏ nút thắt giao tiếp vật lý và khó khăn di chuyển.

MÔ HÌNH KINH DOANH CẢI THIỆN

VÀ NÂNG CAO DỊCH VỤ Y TẾ

Sự quá tải và thiếu hụt trong hệ thống y tế tại Việt Nam có thể được xem như một cơ hội sáng tạo để phát triển các mô hình kinh doanh nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ y tế. Có thể cải tiến hình thức khám chữa bệnh truyền thống hoặc tạo ra các giải pháp giao thương để đáp ứng sự thiếu hụt về thiết bị y tế.

Đối với việc cải tiến hình thức khám chữa bệnh truyền thống, có thể thúc đẩy việc áp dụng công nghệ thông tin và truyền thông để tăng cường tiếp cận và tương tác giữa bác sĩ và bệnh nhân. Việc phát triển các ứng dụng di động, hệ thống tư vấn trực tuyến, và hồ sơ y tế điện tử có thể giúp rút ngắn thời gian chờ đợi, cải thiện hiệu quả khám chữa bệnh và giảm áp lực cho hệ thống y tế. Ví dụ như là Docosan, một ứng dụng cho phép tìm kiếm và đặt lịch hẹn với các chuyên gia y tế như bác sĩ, nha sĩ, chuyên gia tâm lý và các cơ sở y tế như bệnh viện, phòng khám. Người dùng có thể xem thông tin về chuyên gia y tế, đánh giá từ người dùng khác, và lựa chọn thời gian hẹn phù hợp.